Góp ý chân thành
Suy niệm Lời Chúa CN 23 TN A
Bổn phận góp ý
Tiên tri Egiêkiel mở đầu phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay CN 23 TN A, bằng một thông điệp của Thiên Chúa gửi cho dân Ngài, nghe cứng rắn như một tiếng sét kinh hoàng:
“Nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi” (Ed 33,8)
Quả thực, nghe câu Lời Chúa này, có lẽ ai cũng phải khiếp kinh đến nghẹt thở mà nhìn lại đời sống của chính mình. Bởi vì, phải nói cách nào đây, “để kẻ gian ác bỏ đường lối của họ” trong khi chính mình chưa thực sự nên hoàn thiện, chính mình còn vương bao điều bất chính! Thật khó khăn. Bởi vì, câu Lời Chúa có một ý ẩn, và có một ý hiện. Ý ẩn là “hãy hoàn thiện” và ý hiện là “làm cho người khác hoàn thiện”. Đó không chỉ là bổn phận của công dân nước Chúa, mà còn là trách nhiệm, và là điều kiện để được cứu sống:
“Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.(Ed 33, 9)
Nghĩ cho cùng, thì thật hữu lý, vì khi mỗi tín hữu được tháp nhập vào thân mình Đức Kitô, vào cuộc sống chung trong Giáo Hội của Ngài, hẳn đã có một ước muốn trở nên hoàn thiện như Đức Kitô vô tội, Đấng trở nên con người hoàn toàn ngoại trừ tội lỗi, trở nên con cái của Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, và cùng nhau hưởng phúc trường sinh do ơn cứu mạng của Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, mỗi tín hữu phải là một chi thể không tỳ vết của Đức Kitô. Mỗi tín hữu trở nên thành viên, nên huynh đệ trong gia đình của Thiên Chúa chí thánh, chí thiện.
Tình huynh đệ thiêng liêng ấy đạt đạo đến mức thánh Phaolô phải thốt lên: “yêu thương là chu toàn cả lề luật”, nhưng là cách “yêu thương không làm hại kẻ khác” đồng nghĩa với việc “yêu thương là làm lợi ích cho kẻ khác”. Không có mối lợi nào bằng trở nên công chính để được ơn cứu độ. Không có quà tặng nào quí hơn sự sống trường sinh. Không có tình huynh đệ nào bền vững cho bằng tình huynh đệ của con cái Thiên Chúa. Vì thế, làm lợi cho anh em là làm cho anh em nên công chính, được sự sống trường sinh và xứng nên con cái của Thiên Chúa.
Góp ý chân thành
Tin Mừng Matthêu 18, 15-20, Chúa Giêsu hướng dẫn cụ thể hơn về mối tình thiêng liêng ấy bằng việc chu toàn bổn phận giúp nhau nên hoàn thiện: nếu “người anh em lỗi phạm” thì phải giúp anh em phục thiện bằng các bước sửa dạy như sau: chân thành góp ý riêng, hai ba người góp ý, và cộng đoàn cùng nhau góp ý cho anh em nhận ra lầm lỗi của mình, xây dựng cho anh em con đường trở về ơn gọi công chính.
Tại sao phải chân thành góp ý? Thiết tưởng, ngoài việc tự mình phải chu toàn bổn phận nên hoàn thiện, còn phải nghĩ đến cuộc sống Giáo Hội hôm nay và mai sau. Nếu không sống cùng, sống với, sống trong Giáo Hội ở trần gian, thì khó lòng mà bảo đảm được một cuộc sống trong Giáo Hội khải hoàn trên thiên quốc. Vì thế, tình yêu dành cho Giáo Hội cũng chính là tình yêu dành cho mọi thành phần trong Giáo Hội, kể từ các Đấng Bậc với vai trò chủ chiên: Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục …đến thành phần bé nhỏ nhất là con chiên, và nhất là những con chiên lạc.
Như vậy, việc chân thành góp ý, giúp nhau hoàn thiện phải bắt nguồn từ tình yêu và là một động thái của tình yêu chân chính.
-Tình yêu thôi thúc việc “làm lợi cho anh em”.
-Tình yêu giúp sáng kiến khôn ngoan lựa lời tế nhị, chọn đúng lúc, đúng chỗ.
-Tình yêu giúp sức mạnh can đảm vượt qua cái nghiệt ngả của sự thực “lời thật mất lòng”.
-Tình yêu ấy giúp kiên trì, không nản lòng trước cảnh “lòng chai, dạ đá”.
-Tình yêu giúp củng cố niềm tin và lòng cậy trông để có quyền hy vọng về một phép lạ của tình bác ái.
-Tình yêu kết liên mọi người với nhau nên nghĩa tình thâm huynh đệ trong đức tin vững chắc rằng có Chúa Giêsu đang hiện diện nối kết.
-Và nhất là, tình yêu ấy giúp sống mầu nhiệm Giáo Hội Thánh Thiện, với những con người có thể là chưa hoàn thiện.
Vì đời sống cộng đoàn nhân danh Đức Giê-su
Chúa Giê-su nói: “Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 18, 19-20).
Không ai sống một mình. Cuộc sống là cuộc sống chung. Với tín hữu công giáo, cuộc sống chung ấy là một cộng đoàn nhân danh Chúa Giê-su và tin chắc Chúa Giê-su hiện diện giữa cộng đoàn ấy. Vì thế, viecj góp ý chân thành, để giúp nhau hoàn thiện, là điều đẹp ý Chúa.
Tiếc là, có vẻ như xã hội đang thời kỳ mở cửa cho những đôi vợ chồng ly dị vì không thể sửa lỗi, góp ý xây dựng cho nhau một cuộc sống bền vững hơn, siêu nhiên hơn cái duy vật. Bởi họ không có chỗ cho Thiên Chúa, cho Chúa Giê-su, không có giáo hội, không có sự ràng buộc của tình yêu nhau và tình yêu cộng đoàn thánh thiện. Họ chỉ dừng lại ở chỗ góp ý cho nhau làm sao sống phù hợp với cuộc chạy đua kinh tế, chạy đua phương tiện hưởng thụ, chạy đua tự do quan hệ trong và ngoài hôn nhân. Sự yêu thương và tôn trọng nhau trong hôn nhân xã hội ngày nay hầu như chỉ nhắm đến vật chất và tự do cá nhân, mà không màng gì đến một cuộc sống chung thời vĩnh cửu.
Nhìn vào thực tế khá bi đát ấy, thiết tưởng, thông điệp của Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ mỗi gia đình công giáo càng phải nồng nàn hơn, thắm thiết hơn trong tình yêu hôn nhân, một họa ảnh của tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội; và hơn thế nữa, là cơ hội cho các gia đình nhắm đến sự sum họp vững bền của chính gia đình mình trong Giáo Hội khải hoàn. Từ đó, trân trọng tình yêu của nhau mà đón nhận những góp ý chân thành để cùng nhau nên hoàn thiện. Việc hoàn thiện của vợ của chồng, của những người làm cha làm mẹ, là gương sáng bảo đảm cho việc hoàn thiện các con cái theo ý Chúa.
Cũng thế, nơi các cộng đoàn giáo xứ, mỗi người không thể dửng dưng đối với thành viên cộng đoàn, nhưng mặc lấy một phần trách nhiệm đối với “người anh em” tín hữu khác về việc trở nên một con chiên ngoan sống cùng đàn chiên trong một Chúa chiên. Trách nhiệm ấy được thôi thúc bởi tình yêu. Và lúc này đây, chuẩn mực của tình yêu đã được minh định: đem lại lợi ích thiêng liêng cho anh em, giúp anh em nên công chính. Từ đó, tất cả những cách yêu, lời yêu, làm hại kẻ khác, hại thanh danh, hại nhân phẩm, hại linh hồn, yêu nhau để mất linh hồn thì không phải là tình yêu chân chính nữa.
Thế thì
-Nhận được những góp ý chân thành, là cơ hội vàng cho mỗi chúng sửa lại những lầm lỗi mà ai cũng có thể mắc phải ít là bảy lần trong một ngày.
-Nhận được những góp ý chân thành, là cơ hội vàng cho những tâm hồn khát khao nên công chính.
-Nhận được những góp ý chân thành, là cơ hội cho mình khiêm tốn nhìn thấy mình dù ở chức vụ nào cũng thật mong manh, yếu đuối, thấp hèn trước mặt Thiên Chúa.
-Nhận được những góp ý chân thành, là cơ hội vàng cho chúng ta xác định được ai thù ai bạn, ai yêu ai ghét trong cuộc đời này.
-Nhận được những góp ý chân thành, còn là nhận được một quà tặng quí giá mà Chúa ban qua và trong đời sống Giáo Hội.
-Hãy đón nhận những góp ý chân thành với lòng khiêm tốn, và lòng biết ơn Chúa, biết ơn Giáo Hội, biết ơn những người anh em có trái tim đầy ắp tình yêu Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết biết khao khát nên công chính như lòng Chúa mong ước: “Ước chi hôm nay, các bạn nghe tiếng Chúa. Đừng cứng lòng nữa” (Tv 94,8).
Xin cho chúng con biết yêu mến Giáo Hội để sẵn sàng nghe tiếng Chúa gọi mời nên công chính, qua sự góp ý chân thành của anh em. A men.