Một trăm năm Fatima: Jacinta dưới ngòi bút Lucia

  • T2, 09/10/2017 - 21:25
  • admin

Một trăm năm Fatima: Jacinta dưới ngòi bút Lucia

 

Hai thị nhân bé nhỏ của Fatima, Jacinta và Francisco, sẽ được phong thánh vào ngày 13 tháng Năm này nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra với các em lần đầu năm 1917. Thông cáo báo chí của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng các em được phong thánh vì đời sống đạo đức của các em chứ không phải vì được Đức Mẹ hiện ra.

Người hiểu rõ đời sống thánh thiện ấy không ai khác ngoài Chị Lucia, người vừa được thấy vừa được nghe và nói với Đức Mẹ tại Fatima. Trong tập hồi ký thứ nhất viết năm 1935 trình lên giám mục Fatima hồi ấy, Chị Lucia viết về Jacinta như sau:

Trước các biến cố năm 1917, ngoài mối dây họ hàng luôn kết hợp chúng con, không tình âu yếm đặc biệt nào khác đã dẫn con tới việc thích chơi với Jacinta và Francisco hơn với các trẻ em khác. Ngược lại, đôi lúc con thấy việc chơi với Jacinta chẳng thích thú chi, vì tính tình quá nhậy cảm của em. Chỉ cần cãi vã qua loa thường xẩy ra với bọn trẻ chúng con lúc chơi với nhau cũng đủ để em hờn dỗi chạy vào một góc, “cột lừa” như chúng con thường chế nhạo. Cả việc dỗ dành mơn trớn mà bọn trẻ chúng con biết rõ cách làm trong những dịp như thế này cũng vẫn không đủ đem em trở lại cuộc chơi; chính em phải được quyền chọn trò chơi, và cả bạn chơi nữa. Tuy nhiên, trái tim em rất có thiên hướng tốt. Thiên Chúa ban cho em một tính tình ngọt ngào và dịu dàng khiến em vừa đáng yêu vừa quyến rũ. Con không biết tại sao, nhưng Jacinta và anh trai của em là Francisco có cảm tình đặc biệt với con, và hầu như lúc nào cũng tới tìm con khi các em muốn chơi. Các em không thích chơi với các trẻ em khác, và các em thường yêu cầu con đi với các em tới chiếc giếng ở cuối vườn thuộc cha mẹ con.

Khi đã tới đó, Jacinta sẽ chọn các trò chơi để chúng con chơi. Những trò chơi mà em thích nhất thường là “chơi sỏi” và “chơi cúc”, các trò chơi chúng con thường chơi trên phiến đá che chiếc giếng, dưới bóng một cây ôliu và hai cây mận. Chơi cúc áo thường khiến con rất lo lắng vì khi bị gọi về dùng bữa, con thường thấy mình thiếu cúc áo. Phần lớn là vì Jacinta thắng cuộc chơi, và điều này đủ khiến mẹ con la mắng con. Con phải vội vàng khâu lại ngay. Nhưng làm thế nào thuyết phục được Jacinta hoàn lại cúc áo, vì ngoài tính hay nhăn nhó, em còn một khuyết điểm nhỏ nữa là tính ưa chiếm giữ! Em muốn giữ mọi cúc áo cho tới trò chơi kế tiếp, để tránh khỏi phải dùng tới các cúc áo của em. Chỉ bằng cách đe dọa không bao giờ chơi với em nữa, con mới thành công đòi lại được chúng!

Không ít lần, con thấy con không làm được điều người bạn nhỏ của con muốn. Một trong các chị của con làm thợ dệt và một chị khác làm thợ may, và cả hai chị hôm ấy đều ở nhà cả ngày. Do đó, các người hàng xóm quen hỏi mẹ con xem họ có thể gửi con cái của họ ở sân nhà mẹ con hay không, để họ ra đồng làm việc. Các trẻ em này ở lại và chơi với con trong khi các chị con trông chừng chúng con. Mẹ con luôn sẵn sàng làm điều này, mặc dù nó chiếm rất nhiều thì giờ của các chị con. Bởi thế, con được trao cho việc nô đùa với các em, và trông chừng đừng để chúng rơi xuống giếng ở trong vườn. Ba cây vả lớn che chở các em khỏi nắng mặt trời thiêu đốt. Chúng con dùng cành của chúng làm dây đu, và sân đập lúa làm phòng ăn. Vào những ngày như thế này, khi Jacinta với anh trai tới mời con đi với các em tới góc yên tĩnh ưa thích, con thường nói với các em là con không thể đi, vì mẹ con đã ra lệnh con phải ở nơi con phải ở. Lúc ấy, tuy thất vọng nhưng nhẫn nhục, hai bạn nhỏ ở lại tham dự các trò chơi của chúng con. Lúc nghỉ trưa, mẹ con thường dạy giáo lý cho con cái của ngài, nhất là lúc gần tới Mùa Chay, vì mẹ con nói:

“Mẹ không muốn xấu hổ vì các con khi cha xứ hỏi các con về giáo lý của các con trong dịp Phục Sinh”.

Do đó, mọi trẻ em khác cũng tham dự các bài giáo lý của chúng con, và Jacinta cũng hiện diện ở đó.

Sự nhậy cảm của Jacinta

Một ngày kia, một trong các trẻ em trên tố cáo một em khác nói bậy. Mẹ con trách mắng em này rất nặng, chỉ cho em thấy người ta không nên nói bậy bạ, vì điều này có tội và không làm vui lòng Chúa Giêsu; và những ai phạm những tội như thế mà không xưng tội, sẽ xuống hỏa ngục. Jacinta không quên bài học này. Ngay lần sau, khi các em tới, Jacinta hỏi:

“Hôm nay, mẹ chị có cho chị đi không?"

“Không”.

“Vậy em và anh Francisco sẽ tới sân nhà chúng em vậy”

“Nhưng sao bọn em không ở lại đây?”

“Mẹ em không muốn bọn em ở lại khi các trẻ kia có mặt ở đây. Mẹ em bảo chúng em đi và chơi ở sân nhà chúng em. Mẹ em không muốn em học những điều xấu xa ấy, vì chúng vốn là tội và Chúa Giêsu không thích thế”.

Rồi em nói nhỏ vào tai con:

“Nếu mẹ chị cho phép, chị có tới nhà em không?

“Có”

“Vậy chị đi xin phép mẹ chị đi”

Rồi dắt tay anh trai, em trở về nhà.

Nói đến các trò chơi ưa thích của Jacinta, một trong các trò này là “bị phạt”. Như Đức Cha có lẽ biết rõ, người thua phải làm bất cứ điều gì người thắng sai khiến. Jacinta ưa bắt người thua đi đuổi theo các con bướm, bắt một con đem về cho em. Những lúc khác, em đòi một bông hoa tự em chọn. Một ngày kia, chúng con chơi trò “bị phạt” tại nhà con, và con thắng, nên lần này, con là người ra lệnh cho Jacinta phải làm gì. Anh trai con lúc ấy đang ngồi viết ở bàn. Con nói với Jacinta tới ôm và hôn anh ấy, nhưng Jacinta phản đối:

“Việc ấy, thì không! Chị nói em làm việc khác đi. Tại sao chị không nói em đi hôn Chúa ở đàng kia?”

Ở phía ấy có tượng chịu nạn treo trên tường.

Con đáp: “Được, em đứng lên chiếc ghế, lấy tượng chịu nạn xuống đây, qùy gối, ôm ba lần và hôn ba cái: một cho Francisco, một cho chị và một cho em”.

“Với Chúa thì được. Em sẽ làm bao nhiêu theo yêu cầu của chị” Và em chạy đi lấy tượng chịu nạn. Em hôn và ôm tượng với một lòng sùng kính con không bao giờ quên được. Rồi, chăm chú nhìn vào khuôn hình Chúa, em hỏi:

“Tại sao Chúa bị đóng đinh vào thập giá như thế này?”

“Vì Người chịu chết cho chúng ta”

Em nói; “Xin chị cho em hay chuyện ấy xẩy ra thế nào ?”

Jacinta rất yêu mến Chúa Cứu Thế chịu Đóng Đinh

Vào các buổi tối, mẹ con thường kể truyện cho chúng con. Cha con và các chị con cũng kể nhiều câu truyện hay về ảo thuật thần thông, về các cô công chúa trong vàng bạc nhung lụa và các sứ giả hoàng gia. Tiếp theo là mẹ con với những câu truyện về Khổ Nạn, Thánh Gioan Tẩy Giả, v.v… Nhờ đó mà con biết truyện Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Và vì chỉ cần nghe một lần, con có thể kể lại đầu đuôi câu truyện, nên con bắt đầu thuật cho các bạn của con nghe trọn điều con vẫn gọi là Truyện về Chúa của chúng ta. Giữa lúc ấy, chị con đi ngang qua, thấy chúng con cầm tượng chịu nạn trong tay. Chị bèn lấy tượng khỏi tay chúng con và trách mắng chúng con, nói rằng chị không muốn chúng con rờ vào những đồ linh thiêng như thế này. Jacinta bèn đứng dậy và đối chất với chị con, em nói:

“Thưa chị Maria, chị đừng la chị ấy! Em làm đó. Nhưng em sẽ không làm thế nữa”.

Chị con mơn trớn em, và bảo chúng con ra ngoài chơi vì chúng con không để vật gì trong nhà vào chỗ đúng của chúng. Thế là chúng con chạy ra ngoài tiếp tục câu truyện của chúng con bên cạnh chiếc giếng mà con đã nhắc đến ở trên. Vì chiếc giếng này ẩn phía sau một số cây dẻ và một đống đá và bụi gai, nên mấy năm sau, chúng con chọn chỗ này để nói những chuyện có tính thân mật hơn của chúng con, để cầu nguyện sốt sắng, và để kể lại cho Đức Cha mọi sự, kể cả nước mắt của chúng con, và đôi khi những dòng nước mắt này rất cay đắng. Chúng con hòa nước mắt vào nước của chiếc giếng để uống. Điều này há không làm cho chiếc giếng trở thành hình ảnh của Đức Mẹ mà trong trái tim ngài, chúng con trút nước mắt của chúng con vào và uống cạn niềm an ủi tinh ròng nhất đó sao?

Nhưng, ta hãy trở lại với câu truyện của chúng con. Khi Jacinta nghe con thuật lại các thống khổ của Chúa chúng ta, em cảm động chẩy nước mắt. Từ đó trở đi, em thường yêu cầu con kể lại cho em cùng câu truyện ấy. Em thường khóc và buồn rầu, nói rằng:

“Chúa chúng ta thật đáng thương! Em sẽ không bao giờ phạm tội nữa! Em không muốn Chúa chúng ta chịu đau khổ thêm nữa!”.

Tính nhậy cảm tinh tế của Jacinta

Jacinta cũng thích ra ngoài giữa đêm khuya, tới sân đạp lúa cạnh nhà; ở đấy, em ngắm các buổi hoàng hôn đẹp đẽ, và chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao. Em mê mẩn với màn đêm yêu kiều dưới ánh trăng. Chúng con thi đua nhau xem ai đếm được nhiều vì sao nhất. Chúng con gọi các vì sao là đèn thiên thần, gọi mặt trăng là đèn Đức Mẹ và mặt trời là đèn của Chúa. Việc này khiến Jacinta một ngày kia nhận xét rằng:

“Chị biết không, em thích đèn Đức Mẹ hơn; nó không đốt chúng ta mà cũng không làm mù chúng ta, cách của Chúa thì có”.

Thực thế, mặt trời, vào những ngày mùa hè, có thể rất gay gắt, và Jacinta, một em bé yếu ớt, rất hay khổ vì sức nóng.

Jacinta quan sát và học hỏi

Vì chị con thuộc Liên Minh Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên mỗi lần tới dịp các trẻ em rước lễ long trọng, chị đều dẫn con đi theo để con tham dự. Một dịp kia, dì con cũng đem con gái nhỏ của dì đi dự và Jacinta được dịp thích thú thấy “các thiên thần” tung hoa. Từ hôm đó trở đi, thỉnh thoảng em lại rời đám bọn con giữa lúc đang chơi, và chạy đi lượm hoa đầy cả chiếc tạp-dề (apron). Rồi em trở lại và tung hoa lên người con, từng bông một.

“Jacinta, tại sao em lại làm chuyện này ở trên đời vậy?”

“Em làm điều các thiên thần nhỏ làm mà: em tung hoa chị”

Mỗi năm, vào ngày lễ lớn, như Lễ Mình Thánh Chúa, chị con đều chuẩn bị quần áo cho các trẻ em được chọn làm thiên thần trong cuộc rước kiệu. Các em bước bên cạnh chiếc lọng, vừa đi vừa tung hoa. Con luôn ở trong số các trẻ em được chọn, và một ngày kia, sau khi chị con đã thử áo kiệu cho con, con kể cho Jacinta nghe mọi điều về ngày lễ sắp đến, và cách con sẽ tung hoa như thế nào trước Chúa Giêsu. Jacinta khẩn khoản xin con nói với chị con để em cùng được đi. Hai chúng con cùng đi xin. Chị con đồng ý để hai đứa con cùng đi và thử áo cho Jacinta. Khi thực tập, chị giải thích cách chúng con sẽ tung hoa trước Chúa Hài Đồng Giêsu.

Jacinta lúc ấy hỏi: “Chúng em có được thấy Người không?”

Chị con trả lời: “Có, cha xứ sẽ kiệu Người”.

Jacinta nhẩy mừng, và luôn miệng hỏi chúng con còn phải đợi bao lâu nữa mới đến ngày lễ. Rồi ngày mong đợi ấy cũng đến và Jacinta hết sức phấn chấn. Hai đứa chúng con lấy chỗ ngồi gần bàn thờ. Sau đó, lúc rước kiệu, chúng con đi bên cạnh chiếc lọng, mỗi đứa chúng con có một giỏ hoa. Mỗi lần chị con bảo chúng con tung hoa, con đều tung hoa lên trước Chúa Giêsu, nhưng bất chấp các dấu hiệu con tỏ với Jacinta, con đều không thấy em tung một bông hoa nào. Em cứ dán mắt vào cha xứ, cứ thế thôi. Khi buổi lễ đã kết thúc, chị con đưa chúng con ra ngoài nhà thờ và hỏi:

“Jacinta, tại sao em không tung hoa lên Chúa Giêsu?”

“Vì em không thấy Người”.

Rồi Jacinta hỏi con:

“Nhưng chị có thấy Chúa Giêsu Hài Đồng không?”

“Dĩ nhiên không. Há em không biết rằng ta không thể thấy Chúa Giêsu Hài Đồng trong Mình Thánh đó sao? Người ẩn mình! Người là Đấng ta tiếp nhận khi chịu lễ!”

“Thế lúc chị chịu lễ, chị có nói chuyện với Người không?”

“Có, chị có nói với Người”.

“Nếu thế, tại sao chị lại không thấy Người?”

“Vì Người ẩn mình!”

“Em cũng sẽ xin mẹ em để em đi chịu lễ”

“Cha xứ không cho em chịu lễ cho tới lúc em 10 tuổi”

“Nhưng chị chưa 10 tuổi mà đã chịu lễ đó!”

“Vì chị biết giáo lý hoàn toàn, còn em thì chưa”.

Sau lần đó, hai người em họ của con yêu cầu con dạy giáo lý cho họ. Thành thử, con trở thành giáo lý viên của hai em, và các em học rất phấn khởi. Nhưng dù con luôn trả lời các câu hỏi đặt ra cho con, khi phải dạy học, con chỉ nhớ lõm bõm đây đó một số điều. Việc này khiến Jacinta, một ngày kia, nói với con:

“Chị hãy dạy bọn em một số điều khác đi, những điều này, bọn em biết cả rồi”.

Con phải thú nhận rằng con chỉ nhớ các điều khi có người hỏi về chúng mà thôi, nên con nói:

“Các em hãy xin mẹ các em cho các em tới nhà thờ học giáo lý đi”.

Hai trẻ nhỏ, vì rất muốn được rước “Chúa Giêsu ẩn mình” như các em vốn gọi Người, nên đã tới xin mẹ các em, và dì con chấp thuận. Nhưng ít khi dì để các em tới đó, dì bảo:

“Nhà thờ cách đây khá xa mà các con thì quá nhỏ. Dù sao, cha xứ cũng không cho các con chịu lễ trước khi các con lên mười”.

Jacinta không bao giờ ngưng hỏi con nhiều câu hỏi liên quan tới Chúa Giêsu Ẩn Mình, và con nhớ, một ngày kia, em hỏi con:

“Làm thế nào quá nhiều người như thế lãnh nhận Chúa Giêsu bé nhỏ ẩn mình cùng một lúc được? Vì chỉ một mẩu nhỏ cho mỗi người”.
“Không phải thế! Há em không thấy có rất nhiều Mình Thánh và Chúa Giêsu Hài Đồng ở trong mỗi Mình Thánh đó hay sao?”
Jacinta, người chăn chiên bé nhỏ

Lúc này, con lớn đủ để được sai đi trông nom đàn chiên của nhà con, giống như mẹ con từng sai các đứa con khác của ngài cùng ở tuổi con. Chị Carolina của con lúc đó 13 tuổi và đến lúc chị phải ra ngoài làm việc. Nên mẹ con trao cho con việc trông nom đàn chiên. Con đưa tin này cho hai bạn đồng hành của con và nói với hai em rằng con sẽ không còn chơi với các em được nữa: nhưng hai em không làm sao chấp nhận được việc chia tay này. Các em lập tức xin mẹ các em cho phép các em cùng đi với con, nhưng bà không chịu. Chúng con không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải chấp nhận việc chia tay. Sau đó, gần như mọi ngày, hai em đều đi gặp con trên đường con về nhà vào lúc nhá nhem tối. Sau đó, chúng con tới sân đạp lúa, và chạy chơi một lúc, đợi Đức Mẹ và các Thiên Thần đốt đèn lên, hoặc để đèn, như kiểu chúng con quen nói, lên cửa sổ để soi sáng cho chúng con. Vào những đêm không có trăng, chúng con thường nói rằng không có dầu để Đức Mẹ đốt đèn!

Jacinta và Francisco thấy khó quen với việc vắng bóng của người cùng chơi với hai em trước đây. Vì thế, hai em khẩn khoản xin với mẹ hết lần này đến lần nọ để hai em cũng được đi chăn đàn chiên của gia đình. Cuối cùng, dì con, có lẽ hy vọng không còn phải nghe những lời khẩn khoản này nữa, dù biết hai em còn quá nhỏ, đã trao cho hai em việc trông nom đàn vật của gia đình. Rạng rỡ vì vui mừng, hai em chạy tới đưa tin cho con và nói đến việc để các đàn chiên của chúng con lại với nhau mỗi ngày. Mỗi người chúng con sẽ mở cổng chuồng, bất cứ khi nào mẹ hai em quyết định, và bất kể ai tới Barreiro đầu tiên cũng phải đợi cho đàn vật kia đến đã. Barreiro là tên của chiếc ao ở cuối chân đồi. Ngay khi gặp nhau tại ao, chúng con quyết định sẽ cho súc vật gặm cỏ ở đâu vào ngày hôm đó. Rồi chúng con lên đường, hạnh phúc và hài lòng như thể đi dự hội.

Và giờ đây, thưa Đức Cha, chúng con thấy Jacinta trong cuộc sống mới là người chăn chiên. Chúng con được lòng các con chiên nhờ biết chia sẻ bữa trưa với chúng. Điều này có nghĩa: khi chúng con tới đồng cỏ, chúng con được chơi thỏa tình, vì hoàn toàn chắc mẩm là đàn chiên sẽ không lạc xa khỏi chúng con. Jacinta thích nghe thấy tiếng em vọng lại từ thung lũng. Vì thế, một trong các trò vui của chúng con là leo lên đỉnh đồi, ngồi xuống tảng đá to nhất, và hết hơi hô to những tên khác nhau. Tên vọng lại rõ ràng nhất là “Maria”. Đôi khi Jacinta quen hô to trọn cả câu Kính Mừng Maria, bằng cách chỉ hô đến chữ sau, khi chữ trước hết vọng lại.

Chúng con cũng quen ca hát. Chen vào các bài hát bình dân, mà chẳng may chúng con biết khá nhiều, là các thánh ca ưa thích của Jacinta như “Salve Nobre Padroeira” (Kính Chào Nữ Quan Thầy Cao Sang), “Virgem Pura” (Nữ Trinh Tinh Tuyền), “Anjos, Cantai Comigo” (Hỡi Các Thiên Thần, Xin Cùng Hát Với Con). Chúng con cũng rất thích múa, và bất cứ nhạc cụ nào chúng con nghe các người chăn chiên khác chơi đều khiến chúng con nhẩy múa hân hoan. Jacinta, dù người nhỏ thó, có năng khiếu múa ngoại hạng.

Chúng con được khuyên đọc kinh Mân Côi sau bữa ăn trưa, nhưng vì cả ngày xem ra quá ngắn đối với trò chơi của chúng con, nên chúng con nghĩ ra một cách hay để đọc kinh này cho lẹ. Chúng con chỉ lần hạt qua ngón tay, trong khi miệng chỉ đọc “Kính Mừng Maria, Kính Mừng Maria, Kính Mừng Maria…” Cuối mỗi mầu nhiệm, chúng con dừng lại đôi chút, rồi chỉ đọc “Lạy Cha Chúng Con”, và cứ thế, trong nháy mắt, như người ta thường nói, chúng con đã đọc xong Kinh Mân Côi!

Jacinta cũng thích ôm chặt các con chiên nhỏ mầu trắng trong vòng tay, ngồi ôm chúng trong lòng, mơn trớn chúng, hôn hít chúng, và cõng chúng trên vai để về nhà lúc đêm hôm, để chúng khỏi bị mệt. Một ngày kia, trên đường về nhà, em còn đi giữa đàn chiên.

Con hỏi em: “Jacinta, em làm gì thế giữa đàn chiên?”

“Em muốn làm như Chúa chúng ta trong bức ảnh chị cho em. Người y hệt như thế này, ngay giữa đàn chiên, và Người ôm một con trong đôi tay Người”.

Cuộc hiện ra lần thứ nhất

Và giờ đây, thưa Đức Cha, Đức Cha ít nhiều biết rõ Jacinta đã sống như thế nào trong 7 năm đầu đời của em, cho tới ngày 13 tháng Năm, năm 1917, một ngày bừng sáng và tươi đẹp như mọi ngày trước đó. Ngày này, một cách tình cờ, nếu trong kế sách của Đấng Quan Phòng, có sự tình cờ này, chúng con chọn cho đàn vật của chúng con gặm cỏ ở một thửa đất thuộc cha mẹ con, gọi là Cova da Iria. Như thường lệ chúng con chọn đồng cỏ ở Barreiro như con đã nhắc ở trên. Điều này có nghĩa chúng con phai vượt qua một giải đất hoang khô cằn chỉ có thạch nam để tới đó, khiến đường đi dài gấp đôi. Chúng con phải đi chầm chậm để đàn vật có dịp gặm cỏ dọc đường, thành thử gần trưa chúng con mới tới nơi. Ở đây, con không muốn nói với Đức Cha điều xẩy ra hôm đó, vì Đức Cha đã biết rõ cả rồi, và do đó, đỡ mất thì giờ. Ngoại trừ vì đức vâng lời, việc con viết về điều này xem ra cũng là việc mất thì giờ đối với con nữa. Vì con không thể thấy Đức Cha rút được ích lợi gì từ nó, ngoại trừ để Đức Cha quen thuộc hơn với sự ngây thơ trong trắng của Jacinta.

Trước khi bắt đầu nói với Đức Cha những gì con nhớ được về giai đoạn mới trong cuộc đời của Jacinta, trước nhất con phải nhận rằng có một số khía cạnh trong các lần Đức Mẹ hiện ra được chúng con thỏa thuận sẽ không cho ai biết. Tuy nhiên, giờ đây, có lẽ con phải nói tới chúng để giải thích do đâu Jacinta lại hấp thụ được một lòng yêu mến lớn lao như thế với Chúa Giêsu, với đau khổ và các người có tội, mà vì phần rỗi của họ, em đã hy sinh một cách quảng đại như vậy. Đức Cha không rõ đâu rằng chính em là người, vì không kiềm chế được niềm vui, nên đã vi phạm thỏa thuận giữ kín mọi sự. Ngay chiều hôm đó, trong khi chúng con còn đang ưu tư và đắm chìm trong ngạc nhiên, Jacinta không ngừng la lên một cách phấn chấn:

“Ồ, Bà ấy đẹp quá!”

Con nói: “Chị biết sẽ xẩy ra điều gì. Cuối cùng em sẽ nói điều ấy cho một người khác biết”.

Em trả lời, “Không, em sẽ không nói, chị đừng lo”.

Ngày hôm sau, Francisco chạy đến nói với con Jacinta đã kể cho mọi người trong nhà hay vào đêm hôm trước như thế nào. Nghe thấy như vậy, Jacinta không dám nói gì.

Con nói với em: “Em thấy đấy, đó là điều chính chị đã nghĩ sẽ xẩy ra”.

Em trả lời, nước mắt dàn dụa: “Có điều gì đó ở trong em không để em giữ được im lặng”.

“Được rồi, em đừng khóc nữa, và đừng nói với ai bất cứ điều gì khác về những gì Đức Mẹ nói với chúng ta”.

“Nhưng em đã nói với họ rồi”

“Thế em đã nói những gì?”

“Em nói Đức Mẹ hứa sẽ đem chúng ta về thiên đàng”.

“Vì nghĩ em đã nói những điều ấy!”

“Xin chị tha thứ cho em. Em sẽ không nói cho bất cứ ai bất cứ điều gì nữa”.

Suy nghĩ về hoả ngục

Hôm ấy, khi chúng con tới đồng cỏ, Jacinta ngồi tư lự trên một phiến đá.

“Jacinta, tới đây chơi”

“Hôm nay, em không muốn chơi”

“Tại sao không?”

“Vì em nghĩ Đức Mẹ bảo chúng ta đọc kinh Mân Côi và làm các việc hy sinh cho người có tội ăn năn trở lại. Vậy từ nay trở đi, khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta phải đọc trọn cả kinh Kính Mừng và trọn cả kinh Lạy Cha! Còn các việc hy sinh, chúng ta phải làm chúng cách nào đây?”

Ngay lập tức, Francisco nghĩ đến một việc hy sinh:

“Chúng ta hãy dành bữa trưa của chúng ta cho đàn chiên, và làm việc hy sinh bằng cách không có bữa trưa”.

Chỉ trong ít phút, các đồ chứa trong các hộp ăn trưa của chúng con đã được phân chia cho các con chiên. Thành thử hôm đó, chúng con ăn chay nghiêm ngặt như một tu sĩ khổ tu nhiệm nhặt nhất! Jacinta vẫn ngồi trên phiến đá, nhìn rất đăm chiêu, và lên tiếng hỏi:

“Đức Mẹ còn nói rằng nhiều linh hồn sẽ xuống hỏa ngục. Vậy hỏa ngục là chi?”

“Nó giống như một hầm sâu đầy thú dữ, với lò lửa vĩ đại ở đấy – đây là điều mẹ con thường giải thích cho con như vậy – và đây là nơi những người phạm tội mà không đi xưng tội phải tới. Họ ở đó và bị thiêu đốt đời đời!”

“Và họ không bao giờ ra khỏi đó?”

“Không!”

“Dù sau nhiều, rất nhiều năm?”

“Không! Hỏa ngục không bao giờ cùng!”

“Và thiên đàng cũng không bao giờ cùng?”

“Ai đã lên thiên đàng, thì không bao giời rời bỏ đó nữa!”

“Còn ai đã xuống hỏa ngục, cũng không bao giời rời khỏi đó?”

“Chúng đời đời, em biết đấy, chúng không bao giờ cùng”

Đó là lần đầu tiên, chúng con thực hiện cuộc suy gẫm về hoả ngục và đời sống vĩnh cửu. Điều gây ấn tượng sâu xa nơi Jacinta là ý niệm đời đời. Dù giữa cuộc chơi, em cũng sẽ dừng lại và hỏi:

“Nhưng này chị, há hỏa ngục không chấm dứt sau nhiều, rất nhiều năm đó sao?”

Hay; “Những người bị thiêu đốt trong hỏa ngục, há họ không bao giờ chết hay sao? Và há họ không cháy thành than hay sao? Và nếu người ta cầu nguyện rất nhiều cho các người có tội, há Chúa không cho họ ra khỏi đó hay sao? Và khi họ còn làm các việc hy sinh nữa? Những người có tội quả đáng thương! Chúng ta phải cầu nguyện và làm nhiều việc hy sinh cho họ!”

Và em nói tiếp:

“Bà ấy [Đức Mẹ] tốt lành xiết bao! Bà hứa sẽ đem chúng ta về thiên đàng!”.

Người tội lỗi ăn năn trở lại

Jacinta khắc sâu việc thực hiện hy sinh cho người có tội vào trong tâm khảm đến nỗi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội làm những việc này. Có hai gia đình ở Moita có con cái đi ăn xin từng nhà. Một ngày kia, chúng con gặp các trẻ em này, khi chúng con đang đi chăn chiên. Ngay khi gặp họ, Jacinta nói với chúng con:

“Chúng ta hãy dành bữa trưa của chúng ta cho các trẻ em nghèo này, để người có tội ăn năn trở lại”.

Và em chạy đi tặng bữa trưa cho họ. Chiều hôm đó, em nói với con rằng em đói bụng. Gần đấy có những cây sồi xanh và những cây sồi thường. Trái của chúng vẫn còn xanh. Tuy nhiên, con nói với em chúng con có thể ăn chúng. Francisco bèn leo lên cây sồi xanh và hái đầy các túi, nhưng Jacinta nhớ rằng chúng con có thể ăn trái của cây sồi thường, và do đó, làm việc hy sinh bằng việc ăn loại trái đắng hơn. Thế là buổi chiều hôm ấy, chúng con thưởng thức bữa ăn thịnh soạn này! Jacinta biến việc này thành một trong các việc hy sinh thông thường của em, và thường hái những trái sồi thường hoặc những trái ôliu từ cây.

Một hôm, con bảo em:

“Jacinta, đừng ăn trái đó; nó quá đắng!”

“Nhưng vì nó đắng nên em mới ăn nó, để những người có tội ăn năn trở lại”.

Trên đây không phải là những lần duy nhất chúng con ăn chay. Chúng con từng thỏa thuận với nhau rằng bất cứ khi nào gặp một trẻ em nghèo như những trẻ em này, chúng con sẽ dành bữa trưa cho họ. Họ rất sung sướng được lãnh nhận các món bố thí này, nên họ rất hay gặp chúng con; họ hay đợi chúng con trên lộ trình của chúng con. Vừa trông thấy họ, Jacinta đã chạy tới và cho họ mọi món ăn chúng con có ngày hôm đó, hạnh phúc như thể em chẳng cần đến những món này. Vào những ngày như thế, thức ăn duy nhất của chúng con chỉ còn là những hạt thông, và những trái mọng (berry) nhỏ cỡ trái ôliu mọc ở rễ các cây hoa hình chuông mầu vàng, cũng như các trái dâu đen, nấm, hoặc một vài thứ khác chúng con thấy được ở rễ các cây thông – Giờ đây, con không thể nhớ những thứ này tên gì. Nếu có trái cây nào trên đất thuộc cha mẹ chúng con, chúng con thường ăn nó.

Việc khát mong làm các hy sinh của Jacinta xem ra không biết đâu cho vừa. Một ngày kia, người hàng xóm cho mẹ con một bãi cỏ ngon cho đàn chiên của chúng con. Dù bãi cỏ này khá xa và chúng con đang ở những ngày rất nóng của mùa hè, mẹ con cũng vẫn nhận món quà hậu hĩnh này, và sai con tới đó. Ngài nói với con rằng chúng con nên nghỉ trưa dưới bóng cây cối, vì gần đó có giếng để đàn vật uống nước. Trên đường tới đó, chúng con gặp mấy đứa trẻ nghèo thân thương của chúng con, và Jacinta chạy tới cho họ các của bố thí thông thường của chúng con. Hôm đó là một ngày thật đáng yêu, nhưng mặt trời thì nắng cháy, và trong thửa đất hoang khô cằn sỏi đá ấy, xem ra mọi sự đều như cháy xém cả. Chúng con bị nung đến khát khô và không hề có một giọt nước để uống. Thoạt đầu, chúng con dâng sự hy sinh này một cách quảng đại cho người tội lỗi ăn năn trở lại, nhưng quá trưa, chúng con không còn chịu đựng được nữa.

Vì có một căn nhà gần đấy, nên con đề nghị với hai bạn đồng hành rằng con sẽ đi và xin họ ít nước. Hai bạn đồng hành đồng ý, nên con đi gõ cửa. Một bà già nhỏ bé không những cho con nước uống mà còn cho cả bánh mì nữa, được con tiếp nhận một cách đầy biết ơn. Con chạy đi chia cho các bạn đồng hành, rồi đưa bình nước cho Francisco và bảo em uống.

Em trả lời: “Em không muốn uống”

“Tại sao?”

“Em muốn hy sinh để người tội lỗi ăn năn trở lại”

‘Còn Jacinta, em uống một hớp chứ!”

“Nhưng em cũng muốn dâng hy sinh này cho người tội lỗi ăn năn trở lại”.

Thế là con đổ nước xuống một chỗ lõm trong đá, để đàn chiên uống, và đem bình đi trả cho bà chủ của nó. Cái nóng mỗi lúc một gay gắt hơn. Tiếng kêu nhức óc của dế và cào cào hợp với tiếng ộp ộp của ếch nhái từ chiếc ao gần đó khiến cho sự om sòm thành gần như không thể chịu đựng được. Jacinta, người vốn yếu ớt, và càng yếu ớt hơn vì thiếu thực phẩm và nước uống, nói với con một cách hết sức đơn sơ vốn là bản tính em rằng:

“Chị nói với mấy con dế và mấy con ếch im đi! Em nhức đầu quá”.

Lúc ấy, Francisco hỏi Jacinta:

“Há em không muốn chịu điều này vì các người tội lỗi hay sao?”

Con nhỏ, tay ôm đầu, trả lời:

“Có, em chịu. Cứ để chúng ca đi!”

Gia đình chống đối

Trong khi ấy, tin tức về những điều xẩy ra được loan truyền. Mẹ con trở nên lo lắng, và bằng mọi giá, muốn con phải chối bỏ những gì con đã nói ra. Một ngày kia, trước khi con đi trông coi đoàn vật, mẹ cương quyết bắt con phải thú nhận là con nói dối, và để làm được việc này, mẹ con vừa vuốt ve vừa đe dọa, thậm chí dùng cả cán chổi nữa. Bất chấp tất cả những thứ này, mẹ không nhận được gì cả trừ sự câm như hến hoặc việc xác nhận mọi điều con đã nói. Mẹ đành bảo con đi chăn đoàn vật và trong ngày phải đắn đo kỹ điều này: mẹ không bao giờ dung thứ một lời nói dối nào của con cái mẹ cả, càng không dung thứ loại nói dối này. Mẹ cảnh cáo con rằng mẹ sẽ ép buộc con, mỗi tối, phải tới những người con đã lừa dối để thú nhận rằng con đã nói dối và xin họ tha thứ.

Con đi rời nhà với đoàn vật, và hôm đó, các bạn đồng hành bé nhỏ của con đang đứng đợi con. Khi thấy con khóc, các em chạy lại và hỏi con điều gì đã xẩy ra. Con cho các em hay mọi sự đã xẩy ra và nói thêm:

“Các em cho chị hay đi, chị phải làm gì bây giờ? Mẹ chị cương quyết bằng bất cứ giá nào cũng bắt chị phải nói chị nói dối. Nhưng làm thế nào chị có thể làm thế được?”

Lúc ấy, Frncisco nói với Jacinta:

“Em thấy đó! Tất cả tại lỗi em. Tại sao em phải nói cho họ hay chứ?”

Con nhỏ, dàn dụa nước mắt, qùy xuống, chắp tay, và xin chúng con thứ lỗi. Em nói trong nước mắt:

“Em đã làm sai, nhưng em sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì với bất cứ ai nữa”.

Đức Cha có lẽ sẽ thắc mắc ai dạy Jacinta thực hiện hành vi khiêm nhường này? Con không biết. Có lẽ em thấy các anh chị trong nhà xin cha mẹ tha thứ trước khi đi rước lễ; hoặc, như con vốn nghĩ, Jacinta là em bé được Chúa ban dư đầy ơn phúc, và một sự hiểu biết tốt hơn về Người và nhân đức.

Một thời gian sau, khi cha xứ cho vời chúng con tới để tra hỏi, Jacinta cúi đầu và khó khắn lắm ngài mới thành công trong việc nhận được một hay hai lời của em. Khi đã ra ngoài, con hỏi em:

“Tại sao em không trả lời cha xứ?”

“Vì em đã hứa với chị sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì với bất cứ ai!”.

Một ngày kia, em hỏi:

“Tại sao chúng ta không thể nói: Đức Mẹ bảo chúng ta làm việc hy sinh cho các người tội lỗi?”

“Để họ không còn hỏi chúng ta thực hiện loại hy sinh nào”.

Mẹ con càng ngày càng buồn bực hơn về cách sự việc diễn tiến. Điều này khiến mẹ thực hiện một cố gắng khác để buộc con phải thú nhận là con nói dối. Một sáng sớm kia, mẹ gọi con và cho con hay mẹ sẽ dẫn con tới gặp cha xứ; mẹ nói:

“Khi tới đó, con phải qùy gối, thưa với ngài rằng con nói dối, và xin ngài thứ lỗi”.

Khi đi ngang qua nhà dì con, mẹ con vào bên trong một lúc. Việc này cho con cơ hội nói với Jacinta điều xẩy ra. Thấy con buồn như thế, em chẩy nước mắt mà nói:

“Em sẽ dậy và gọi anh Francisco. Chúng em sẽ đi và cầu nguyện cho chị ở bờ giếng. Khi chị trở về, hãy đến tìm bọn em ở đó”.

Khi con trở về, con chạy tới giếng, và ở đó, hai em đang qùy gối, cầu nguyện. Ngay khi thấy con, Jacinta chạy tới ôm lấy con, rồi nói:

“Chị thấy không, Chúng ta không nên sợ bất cứ điều gì! Đức Mẹ luôn luôn phù hộ chúng ta. Ngài là người bạn tốt xiết bao của chúng ta!”

Từ ngày Đức Mẹ dạy chúng con dâng các hy sinh của chúng con lên Chúa Giêsu, bất cứ lúc nào chúng con có điều gì phải đau khổ, hay thoả thuận làm một hy sinh nào đó, Jacinta đều hỏi:

“Chị có nói với Chúa Giêsu rằng việc này là vì tình yêu đối với Người chưa?”

Nếu con nói chưa, em sẽ bảo:

“Vậy em sẽ nói với Người” rồi chắp tay, em ngước mắt lên trời và thưa:

“Lạy Chúa Giêsu, việc này là vì tình yêu đối với Chúa, và để các người tội lỗi ăn năn trở lại!”.

Yêu mến Đức Thánh Cha

Hai linh mục, tức những vị đến tra hỏi chúng con, khuyên chúng con nên cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Jacinta hỏi Đức Thánh Cha là ai. Các linh mục tốt lành đã giải thích ngài là ai và ngài rất cần lời cầu nguyện như thế nào. Điều này khiến Jacinta yêu mến Đức Thánh Cha đến nỗi, mỗi lần dâng các hy sinh lên Chúa Giêsu, em đều thêm: “và cho Đức Thánh Cha”. Cuối kinh Mân Côi, em luôn luôn đọc 3 kinh Kính Mừng cho Đức Thánh Cha, và thỉnh thoảng, em đưa ra nhận xét:

“Em thích được gặp Đức Thánh Cha quá! Rất nhiều người tới đây, nhưng Đức Thánh Cha thì không bao giờ tới!”

Trong sự đơn sơ con ít, em tưởng Đức Thánh Cha cũng có thể đi đó đi đây như bất cứ ai khác!

Một ngày kia, cha con và chú con được mời ra trước ông quận trưởng vào sáng hôm sau cùng với 3 đứa chúng con.

Chú con tuyên bố “tôi sẽ không đem các con tôi đi, cũng sẽ không mang chúng ra trình bất cứ tòa án nào. Tại sao, chúng đâu có đủ tuổi để phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi của chúng, và ngoài ra, chúng không thể nào chịu đựng nổi chuyến cuốc bộ đường trường tới Vila Nova de Ourém. Tôi sẽ đi để xem họ muốn gì”.

Cha con thì nghĩ khác:

“Còn con gái tôi, tôi sẽ mang cháu đi theo! Hãy để cháu tự trả lời; tôi không hiểu mô tê gì về việc này”.

Họ mượn dịp này làm chúng con thất đảm bằng mọi cách có thể của họ. Hôm sau, khi chúng con đi qua nhà chú con, cha con phải đợi chú con ít phút. Con chạy tới chào tạm biệt Jacinta, lúc đó vẫn còn đang nằm trong giường. Hồ nghi không biết chúng con còn gặp lại nhau nữa hay không, con quàng tay ôm lấy em. Bật khóc, con nhỏ thều thào:

“Nếu họ giết chị, chị hãy nói với họ là anh Francisco và em cũng y hệt như chị, và chúng em cũng muốn chết. Giờ đây, em sẽ ra giếng ngay cùng với anh Francisco, và chúng em sẽ hết lòng cầu nguyện cho chị”.

Khi màn đêm đã phủ, lúc con trở về, con chạy tới giếng, và thấy hai em vẫn còn đang ở đấy, qùy gối, mình nghiêng về phía chiếc giếng, hai tay ôm lấy đầu, khóc thảm thiết. Ngay khi thấy con, hai em reo lên vì ngạc nhiên:

“Chị đến đó hả? Tại sao, chị của chị tới đây múc nước và cho bọn em hay họ đã giết chị rồi! Chúng em đang cầu nguyện và khóc chị đây này!”

Bị giam ở Ourém

Một thời gian sau, khi chúng con bị tống giam, điều làm Jacinta đau khổ hơn cả là cảm thấy bị cha mẹ bỏ rơi. Nước mắt lưng tròng, em bảo:

“Cả cha mẹ chị lẫn cha mẹ em đều không tới thăm chúng ta. Các ngài không quan tâm gì tới chúng ta nữa!”

Francisco lúc đó lên tiếng: “Em đừng khóc, chúng ta có thể dâng hy sinh này lên Chúa Giêsu cho người tội lỗi”.

Rồi, ngước mắt và giơ tay lên trời, em dâng lời:

“Ôi lạy Chúa Giêsu, con dâng việc này vì lòng yêu mến Chúa và để các người tội lỗi ăn năn trở lại”.

Jacinta thưa thêm:

“và cho cả Đức Thánh Cha nữa, và để đền vì các tội xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Maria”.

Sau khi bị biệt giam ít lâu, chúng con được đoàn tụ với nhau cùng một phòng ở trại giam. Khi họ bảo nay mai chúng con sẽ bị đưa đi thiêu sống, Jacinta đi qua một bên, đứng bên cửa sổ nhìn qua chợ bán trâu bò. Thoạt đầu con nghĩ em bị quang cảnh làm cho suy tư, nhưng không bao lâu, con khám phá ra em đang khóc. Con đi tới và kéo em lại gần và hỏi xem tại sao em khóc. Em đáp:

“Vì chúng ta sắp phải chết mà không được gặp cha mẹ, cả mẹ cũng không!”

Nước mắt chẩy đầy má, em nói thêm:

“Em ước ao ít nhất được gặp mẹ em”.

“Vậy, há em không muốn dâng hy sinh này cho các người tọi lỗi ăn năn trở lại hay sao?”

“Có, em muốn!”

Với khuôn mặt vẫn đẵm nước mắt, em chắp tay, ngước mắt lên trời và dâng lời:

“Ôi lạy Chúa Giêsu, hy sinh này vì lòng yêu mến Chúa, vì sự ăn năn trở lại của các người tội lỗi, vì Đức Thánh Cha, và để đền vì các tội xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Maria!”

Các tù nhân có mặt lúc ấy tìm cách an ủi chúng con. Họ bảo:

“Các em chỉ cần cho ông quận trưởng biết bí mật! Bất kể Đức Bà muốn hay không muốn các em nói!”

Jacinta mạnh mẽ đáp lại:

“Không bao giờ! Cháu chẳng thà chết còn hơn!”

Kinh Mân Côi ở trong nhà tù

Sau đó, chúng con quyết định đọc Kinh Mân Côi. Jacinta cởi mẫu ảnh em đang đeo quanh cổ xuống và yêu cầu một tù nhân treo nó lên một chiếc đinh ở trên tường cho em. Qùy trước mẫu ảnh này, chúng con bắt đầu cầu nguyện. Các tù nhân cùng cầu nguyện với chúng con, nghĩa là, nếu họ biết cách cầu nguyện, nhưng ít nhất, họ cũng qùy gối. Khi Kinh Mân Côi đã xong, Jacinta lại đến bên cửa sổ và khóc. Con hỏi:

“Này Jacinta, há em không dâng hy sinh này lên Chúa được hay sao?”

“Có, em có dâng, nhưng em cứ nghĩ đến mẹ em hoài, và không làm sao nín khóc được”.

Vì Đức Trinh Nữ Diễm Phúc đã bảo chúng con phải dâng lời cầu nguyện và các hy sinh của chúng con để đền vì các tội xúc phạm đến Trái Tin Vô Nhiễm Maria nữa, nên chúng con thỏa thuận với nhau rằng mỗi người chúng con sẽ chọn một trong các ý chỉ này. Một người dâng cho các người tội lỗi, một người dâng cho Đức Thánh Cha và người còn lại dâng để đền vì các tội xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Maria. Sau khi đã quyết định như thế rồi, con bảo Jacinta chọn bất cứ ý chỉ nào em thích.

“Em sẽ dâng cho mọi ý chỉ, vì em thích hết mọi ý chỉ này”.

Và sau cùng… khiêu vũ

Trong số các tù nhân, có một người chơi đàn concertina (tựa như áccócđêông). Để chúng con khuây khỏa, ông ấy bắt đầu chơi đàn và các tù nhân khác bắt đầu hát. Họ hỏi chúng con có biết nhẩy không. Chúng con thưa chúng con biết các điệu “fandango” và “vira”. Đối vũ của Jacinta là một người phạm tôi ăn cắp, vì thấy em nhỏ quá nên đã bế em lên và vừa bế em vừa nhẩy! Chúng con chỉ những mong Đức Mẹ thương đến linh hồn ông và cho ông trở lại!

Lúc này, chắc Đức Cha sẽ nói: “Quả là một thiên hướng tốt để tử đạo!” Đúng vậy. Nhưng chúng con chỉ là những đứa trẻ nên không nghĩ quá khỏi điều này. Jacinta rất thích nhẩy, và có khiếu đặc biệt về việc này. Con còn nhớ một ngày kia em khóc lóc thảm thiết vì một người anh đi chiến đấu rồi được thông báo là chết trong lúc thi hành nhiệm vụ. Để em khuây khỏa, con sắp xếp một cuộc khiêu vũ với hai người anh của Jacinta. Trời, con nhỏ nhẩy ơi là nhẩy, nhẩy đến quên cả khóc, nước mắt hết chẩy đằm đìa trên má. Em thích nhẩy đến nỗi chỉ cần một người chăn chiên nào đó chơi nhạc cụ là đủ để em nhẩy một mình. Bất chấp như thế, khi Ngày Hội tới hay khi Ngày Lễ Kính Thánh Gioan tới, em tuyên bố:

“Em sẽ không nhẩy nữa”.

“Tại sao không?”

“Vì em muốn dâng hy sinh này lên Chúa”.

II. Sau các lần hiện ra

Cầu nguyện và hy sinh tại Cabeço

Dì con mỏi mệt vì cứ phải liên tục phái một ai đó đi đón các con về, chỉ để làm vui lòng những người đến yêu cầu được nói với các em. Bởi thế, dì đã trao việc săn sóc đoàn vật cho người con trai khác của dì tên là Gioan. Quyết định này làm Jacinta đau lòng vì hai lý do: thứ nhất, vì em cứ phải nói với mọi người đến tìm em và thứ hai, vì em không còn có thể dành cả ngày ở với con. Tuy nhiên, em phải nhẫn nhục chịu đựng. Để tránh những người khách không muốn gặp, em và Francisco hay đi trốn tại một chiếc hang đá trên một sườn đồi đối diện với làng. Trên đỉnh đồi, có cối xay chạy bằng gió. Nhờ nằm ờ sườn phía đông, nơi ẩn này được tạo thành một cách khéo léo đến độ cung cấp cho các em một sự che chở lý tưởng chống lại cả mưa lẫn cái nóng như nung, nhất là nhờ nó được che chở bởi nhiều cây sồi và cây ôliu. Tại đây, Jacinta đã dâng không biết bao nhiêu lời cầu nguyện và hy sinh lên Chúa qúy yêu của chúng ta!

Khắp sườn đồi mọc man vàn các loài hoa. Trong đó, có nhiều hoa lưỡi đòng (iris), và Jacinta đặc biệt thích loại hoa này. Mỗi chiều tối, em đều đợi con trên đường về nhà, tay cầm một nhánh lưỡi đòng mà em đã hái cho con, hoặc một loại hoa khác nếu không tìm thấy hoa lưỡi đòng. Quả là một niềm vui thực sự đối với em khi ngắt từng nhánh hoa cài lên tóc con.

Mẹ con hài lòng về thời gian dành cho việc hàng hàng phải quyết định xem con phải chăn đàn chiên ở đâu, vì nhờ thế, mẹ biết rõ có thể tìm con ở đâu khi cần tới. Khi địa điểm này gần nhà, con đều nói với các bạn đồng hành bé nhỏ của con, và họ không chần chờ chạy tới gặp con. Jacinta không bao giờ ngừng chạy cho tới khi thoáng thấy con. Rồi, mệt nhoài, em đành ngồi xuống và gọi tên con, cho tới khi con đáp lại và chạy tới gặp em.

Các buổi tra vấn rắc rối

Cuối cùng, mẹ con, mệt mỏi vì thấy chị con mất thì giờ đi gọi con và giữ đàn chiên thay cho con, nên đã quyết định bán chúng đi. Mẹ bàn chuyện này với dì con, và hai người đồng ý gửi bọn con đến trường. Giờ chơi, Jacinta thích đi viếng Mình Thánh Chúa. Em phàn nàn:
“Xem ra họ đoán được. Vì chúng ta vừa vào trong nhà thờ là một đám đông đã ùa tới hỏi chúng ta đủ câu hỏi! Em muốn được ở một mình trong chốc lát với Chúa Giêsu Ẩn Mình và chuyện trò với Người, nhưng họ có bao giờ để chúng ta yên đâu!”

Đúng như thế, các người nhà quê đơn sơ không bao giờ để chúng con một mình. Với sự đơn sơ chân thành nhất, họ nói với chúng con mọi nhu cầu và rối rắm của họ. Jacinta biểu lộ một lòng cảm thương lớn lao nhất, nhất là khi liên hệ tới một người tội lỗi nào đó; em bảo: “chúng ta phải cầu nguyện và dâng các hy sinh lên Chúa của chúng ta, để người này, người đáng thương này, ăn năn trở lại và khỏi xuống hỏa ngục!”

Về phương diện này, ở đây, có lẽ nên thuật lại một biến cố cho thấy Jacinta đã cố gắng đến đâu tìm cách trốn những người đến tìm em. Một ngày kia, khi chúng con đang trên đường tới Fatima, và gần tới lộ chính, chúng con để ý một nhóm qúi bà và qúi ông đang bước ra khỏi xe. Chúng con biết chắc họ đi kiếm chúng con. Chạy trốn là điều không thể, vì họ sẽ thấy chúng con. Chúng con cứ thế tiếp tục tiến bước, hy vọng sẽ đi qua mà không bị nhận diện. Gặp chúng con, qúi bà hỏi xem chúng con có biết các trẻ chăn chiên mà Đức Mẹ đã hiện ra không. Chúng con nói biết.

“Các cháu có biết các em đó sống ở đâu không?”

Chúng con chỉ cho họ hướng đi chính xác, và chạy đi trốn ở cánh đồng giữa các bụi mâm xôi (brambles). Jacinta thích chí trước kết quả của chiến thuật này đến nỗi hô to: “chúng ta phải làm như thế này khi họ không nhìn ra chúng ta”.

Cha Cruz thánh thiện

Một ngày kia, Cha Cruz từ Lisbon tới để tra vấn chúng con. Khi đã kết thúc, ngài yêu cầu chúng con chỉ cho ngài địa điểm Đức Mẹ đã hiện ra với chúng con. Trên đường đi, chúng con bước hai bên Cha Đáng Kính, người cỡi một con lừa nhỏ đến nỗi chân của ngài gần chạm đất. Trong khi đang đi như thế, ngài dạy chúng con những lời nguyện ngắn, mà hai trong số này được Jacinta nhận làm của riêng và không bao giờ ngừng lặp đi lặp lại mãi sau này: “Ôi lạy Chúa Giêsu của con, Con yêu mến Chúa! Lạy Trái Tim Dịu Ngọt Đức Mẹ Maria, hãy cứu vớt con!”

Một ngày kia, lúc nằm bệnh, em nói với con “Em thích nói với Chúa Giêsu em yêu Người xiết bao! Nhiều lần, khi em nói với Người như thế, dường như lửa bừng lên trong trái tim em, nhưng lửa này không thiêu rụi em”.

Một lần khác, em bảo: “Em yêu mến Chúa và Đức Mẹ nhiều đến nỗi không bao giờ biết mệt mỏi nói với các Đấng rằng em yêu mến các Đấng”.

Các ơn phúc nhờ Jacinta

Có một phụ nữ kia ở khu nhà chúng con thường lăng mạ chúng con mỗi lần thấy chúng con. Một ngày kia, chúng con bỗng gặp bà ấy lúc bà ấy đang rời một quán rượu, hơi quá say một chút. Không hài lòng với những lời nhục mạ xuông, bà ấy tiến xa hơn. Khi bà ấy nói xong, Jacinta bảo con: “Chúng ta phải khẩn nài Đức Mẹ và dâng các hy sinh để người đàn bà này ăn năn trở lại. Bà này nói nhiều điều tội lỗi quá đến nỗi nếu không đi xưng tội, bà ấy sẽ sa hỏa ngục”.

Mấy ngày sau, chúng con đang chạy ngang qua cửa nhà bà ấy thì bỗng nhiên Jacinta dừng lại như chết, quay lại hỏi:

“Nè, có phải ngày mai chúng ta sẽ đi gặp Đức Mẹ không?”
“Đúng, đúng vậy”.

“Vậy chúng ta đừng chơi nữa. Chúng ta có thề làm việc hy sinh này để các người tội lỗi ăn năn trở lại”.

Không nhận ra rằng một ai đó đang theo dõi chúng con, em nâng tay và ngước mắt lên trời, và làm việc dâng hy sinh. Trong khi ấy, người đàn bà nhìn qua cánh cửa chớp. Sau đó, bà ấy nói với mẹ con rằng những điều Jacinta làm đã gây một ấn tượng đến nỗi bà ấy không cần có chứng cớ nào khác bà ấy mới tin vào thực tại của các lần hiện ra: từ đó, không những bà ấy không nhục mạ chúng con nữa mà còn không ngừng xin chúng con cầu cùng Đức Mẹ để tội lỗi của bà được tha thứ.

Lại một ngày kia, một người đàn bà mắc chứng bệnh khủng khiếp gặp chúng con. Vừa khóc, bà vừa qùy xuống trước mặt Jacinta và yêu cầu em xin Đức Mẹ chữa cho bà. Jacinta khó chịu khi thấy người đàn bà qùy trước mặt em, nên dùng đôi tay run rẩy nâng bà ấy dậy. Nhưng thấy việc này quá sức lực của mình, em cũng qùy xuống và đọc ba Kinh Kính Mừng với người đàn bà. Rồi em bảo bà ấy đứng dậy và bảo đảm với bà ấy rằng Đức Mẹ sẽ chữa bà khỏi bệnh. Sau đó, em tiếp tục cầu nguyện mỗi ngày cho người đàn bà này, cho tới khi bà ấy trở lại cám ơn Đức Mẹ đã chữa bà lành bệnh.

Một dịp khác nữa, có một người lính khóc như một đứa trẻ. Ông ấy được lệnh phải lên đường ra mặt trận, dù vợ ông đang đau liệt giường và ông vốn có ba đứa con còn nhỏ. Ông khẩn khoản xin một là cho vợ ông khỏi bệnh hai là cho lệnh được rút lại. Jacinta mời ông đọc kinh Mân Côi với em, rồi nói với ông:

“Ông đừng khóc. Đức Mẹ tốt lắm! Ngài chắc chắn sẽ ban cho ơn ông xin”.

Từ đó, em không bao giờ quên người lình này. Cuối mỗi lần đọc kinh Mân Côi, em đều đọc một kinh Kính Mừng cho ông. Mấy tháng sau, ông xuất hiện với vợ và ba con nhỏ, để tạ ơn Đức Mẹ vì hai ơn ông đã nhận được. Trước ngày lên đường, vì bị chứng sốt rét, ông đã được miễn nghĩa vụ quân sự, còn về phần vợ ông, ông cho hay bà ấy đã được Đức Mẹ chữa cho khỏi bệnh một cách lạ lùng.

Càng ngày càng nhiều hy sinh hơn

Một ngày kia, chúng con được cho biết một linh mục đang đến gặp chúng con; ngài rất thánh thiện và có thể nói điều đang diễn ra trong tâm hồn người ta. Điều này có nghĩa ngài có thể khám phá ra việc chúng con có nói sự thật hay không.Tràn trề niềm vui, Jacinta reo lên:
“Khi nào Cha này tới? Nếu ngài thực sự nói được, thì ngài hẳn biết chúng ta nói sự thật”.

Một ngày kia, chúng con đang chơi ở giếng, như con đã nhắc trên đây. Gần chiếc giếng đó, có một vườn nho thuộc sở hữu của mẹ Jacinta. Em hái một ít chùm nho và mang tới cho chúng con ăn. Nhưng Jacinta không bao giờ quên những người có tội. Em nói:

“Chúng ta sẽ không ăn những chùm nho này. Chúng ta sẽ dâng hy sinh này cho những người tội lỗi”.

Rồi em mang các nhùm nho chạy đi và biếu các trẻ em đang chơi ở dọc đường. Em trở lại với nét mặt rạng rỡ niềm vui, vì em tìm được các trẻ em nghèo của chúng con và tặng chúng các chùm nho của chúng con.

Một lần khác nữa, dì con gọi chúng con tới ăn một số trái vả dì mới mang về nhà, và quả tình, những trái vả này khiến mọi người ăn rất ngon miệng. Jacinta sung sướng ngồi xuống cạnh chiếc thúng, với mọi người khác trong chúng con, và lượm trái vả đầu tiên lên. Vừa tính ăn, thì bỗng nhiên em nhớ ra, nên buột miệng nói:

“Đúng rồi! Hôm nay, chúng ta chưa làm được một hy sinh nào cho các người tội lỗi! Chúng ta phài làm bù bằng việc này đi”.

Em bèn đặt trái vả vào chiếc thúng, và thực hiện việc dâng hy sinh; và cả chúng con nữa, cũng đặt các trái vả vào thúng để người tội lỗi ăn năn trở lại. Jacinta thực hiện những việc hy sinh như thế hết lần này sang lần nọ, nhưng con phải ngưng ở đây kẻo sẽ không bao giờ kết thúc được.

III. Jacinta ngã bệnh và qua đời

Jacinta ngã bệnh

Trên đây là những ngày sống của Jacinta cho tới lúc Chúa gửi bệnh cúm tới khiến em phải liệt giường và cả anh trai Francisco của em nữa. Buổi tối trước khi em bị cúm, em bảo:

“Em bị đau đầu kinh khủng và hết sức khát nước! Nhưng em sẽ không uống nước, vì em muốn chịu đau khổ vì những người có tội”.

Ngoài trường học và những nhiệm vụ nho nhỏ mà con được trao để làm ra, con dành hết thì giờ rảnh rỗi để ở bên người bạn đồng hành bé nhỏ của con. Một ngày kia, khi con tới thăm trên đường tới trường, Jacinta nói với con:

“Này chị, chị nói với Chúa Giêsu Ẩn Mình rằng em thích Người lắm, em thực sự thích Người lắm lắm”. Những lúc khác, em nói:
“Chị nói với Chúa Giêsu rằng em gửi Người tình yêu của em, và mong được gặp Người”.

Bất cứ khi nào con thăm phòng của em trước nhất, em đều nói với con: “Chị hãy đi thăm anh Francisco đi. Em làm việc hy sinh ở đây một mình”.

Vào một dịp khác, mẹ em đem đến cho em một ly sữa và nói em uống. Em trả lời: “mẹ ơi, con không muốn uống” và dùng tay đẩy ly sữa ra. Dì con năn nỉ một lúc, rồi rời phòng mà nói “tôi không biết làm sao khiến nó dùng bất cứ thứ gì; nó không thèm ăn uống gì cả”. Khi chỉ còn hai chúng con, con hỏi em “Làm thế nào em lại không vâng lời mẹ em như thế, và không dâng hy sinh cho Chúa vậy?” Khi nghe điều này, em chẩy nước mắt, mà con được hạnh phúc lau khô, rồi nói: “lần này em quên”. Em bèn gọi mẹ, xin mẹ tha thứ và nói em sẽ dùng bất cứ thứ gì mẹ muốn. Mẹ em đem ly sữa trở lại, và Jacinta uống không còn một giọt, không một chút ngần ngại. Sau này, em nói với con:
“Ước chi chị biết uống thứ đó khó khăn biết chừng nào!”

Một lần khác, em nói với con: “Càng ngày càng khó cho em phải uống sữa hay ăn cháo, nhưng em không nói gì. Em uống chúng vì yêu mến Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Maria, Mẹ trên trời của chúng ta”.

Một lần nữa, con hỏi em: “Em có đỡ hơn không?” Em trả lời “Chị biết em không đỡ hơn” rồi thêm: “Em rất đau ở ngực! Nhưng em không nói gì. Em chịu đau khổ để các người tội lỗi ăn năn trở lại”.

Một ngày kia, khi con tới, em hỏi: “Hôm nay chị có làm nhiều hy sinh không? Em làm khá nhiều. Mẹ em ra ngoài, và em muốn đi thăm anh Francisco mấy lần, nhưng em không đi”.

Đức Mẹ tới thăm

Tuy nhiên, Jacinta phần nào khá hơn. Em còn có thể ngồi dậy, và dành nhiều giờ ngồi ở giường của Francisco. Một dịp kia, em cho vời con tới gặp em ngay lập tức. Con vội chạy qua. Jacinta bảo:

“Đức Mẹ tới gặp chúng em. Ngài nói với chúng em ngài sẽ đem anh Francisco về trời nay mai, rồi ngài hỏi xem em còn muốn làm cho nhiều người tội lỗi hơn nữa ăn năn trở lại hay không. Em nói em muốn. Ngài bảo em sẽ phải vào một bệnh viện, ở đấy, em sẽ chịu đau khổ rất nhiều; và em phải chịu đau khổ vì sự ăn năn trở lại của người có tội, để đền vì các tội xúc phạm tới Trái Tim Vô Nhiễm Maria, và vì lòng yêu mến Chúa Giêsu. Em hỏi xem chị có đi với em không. Thì ngài nói chị sẽ không đi, và đó là điều em thấy khó [chấp nhận] nhất. Ngài nói mẹ em sẽ đem em đi và rồi em sẽ ở đó một mình!”

Sau đó, em trầm tư một lúc, rồi nói thêm: “Ước chi chị ở với em! Điều khó khăn nhất là đi mà không có chị. Có lẽ, bệnh viện là một căn nhà lớn tối tăm, nơi chị không nhìn thấy, và em sẽ ở đó chịu đau khổ một mình! Nhưng không hệ gì! Em sẽ chịu đau khổ vì lòng yêu mến Chúa chúng ta, để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Maria, vì sự ăn năn trở lại của các người có tội và vì Đức Thánh Cha”.

Khi thời khắc để anh trai Francisco của em về trời đã đến, em thổ lộ với anh trai các lời nhắn sau cùng này: “Anh hãy gửi trọn lòng yêu mến của em cho Chúa và Đức Mẹ của chúng ta, và thưa với các Đấng rằng em sẽ chịu đau khổ theo lượng các Đấng muốn, để các người tội lỗi ăn năn trở lại và đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Maria”.

Jacinta chịu đau khổ một cách hăng hái khi anh trai qua đời. Em tư lự rất lâu, và nếu có ai hỏi xem em đang nghĩ gì, em đều trả lời: “nghĩ đến anh Francisco. Con sẵn sàng cho đi mọi sự để được thấy anh một lần nữa!” Rồi em dàn dụa nước mắt.

Một ngày kia, con nói với em: “Không bao lâu nữa em sẽ về trời. Còn chị thì sao?” Em bảo con:

“Thương chị quá, chị đừng khóc! Em sẽ cầu nguyện rất nhiều cho chị khi em lên đó. Còn đối với chị, đó là cách Đức Mẹ muốn thế. Nếu ngài muốn thế đối với em, em sẽ hân hoan ở lại và chịu nhiều đau khổ hơn vì các người tội lỗi”.

Trong bệnh viện Ourém

Ngày Jacinta vào bệnh viện đã đến. Quả thực, em rất đau. Khi tới gặp em, mẹ em hỏi xem em có cần gì không. Em thưa em muốn gặp con. Chuyện này không dễ cho dì con chút nào, nhưng ngay khi có dịp, dì con đã tới đem con đi với dì. Vừa thấy con, Jacinta đã vui mừng ôm choàng lấy con, và xin mẹ em để con ở lại với em trong khi dì đi chợ. Lúc ấy, con hỏi xem em có đau lắm không.

“Có, em đau lắm. Nhưng em dâng mọi sự cho các người có tội, và để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Maria”. Rồi, lòng đầy phấn khích, em nói đến Chúa và Đức Mẹ. “Ôi, em thích chịu đau khổ vì các Đấng để làm các Đấng được vui lòng quá! Các Đấng rất yêu thương những người chịu đau đớn để các người có tội ăn năn trở lại”.

Thời gian cho phép thăm người bệnh qua đi rất nhanh, và dì con đã trở lại đem con về nhà. Dì hỏi xem Jacinta có muốn gì không. Con nhỏ chỉ khẩn khoản xin mẹ đem con theo khi tới thăm em lần tới. Do đó, bà dì tốt lành của con, người rất muốn làm vui lòng đứa con gái nhỏ, đã đem con theo lần thứ hai. Con thấy Jacinta vui hơn bao giờ hết, vui vì được chịu đau đớn vì lòng yêu mến Chúa nhân lành và Trái Tim Vô Nhễm Maria, cũng như các kẻ có tội và Đức Thánh Cha. Đó là lý tưởng của em, và em không nói gì tới bất cứ điều gì khác.

Trở về Aljustrel

Em trở về nhà cha mẹ trong một thời gian ngắn. Em có một vết thương lớn trên ngực cần được chữa trị hàng ngày, nhưng em chịu đựng, không hề than thở và không một dấu hiệu bực bội nào. Điều làm em không vui hơn cả là những cuộc thăm viếng và tra hỏi thường xuyên của nhiều người muốn được gặp em, và là những người giờ đây em không thể tránh được bằng cách chạy trốn nữa. Em nói một cách nhẫn nhục:

“Em dâng cả hy sinh này nữa, cho các người có tội ăn năn trở lại. Em sẽ hiến mọi sự để có thể tới Cabeço và đọc kinh Mân Côi ở đấy tại chỗ ưa thích của chúng ta! Nhưng em không thể làm điều này được nữa rồi. Khi chị tới Cova da Iria, xin chị cầu nguyện cho em. Cứ nghĩ mà coi, em sẽ không bao giờ được tới đó nữa!” Nước mắt lại ròng ròng chẩy xuống má em.

Một ngày kia, dì con yêu cầu con: “Cháu hãy hỏi xem Jacinta đang nghĩ gì, khi em nó lấy tay che mặt và ở bất động một lúc lâu như thế. Dì đã hỏi em nó, nhưng em nó chỉ mỉm cười, không nói gì”. Con hỏi Jacinta. Em trả lời:

“Em nghĩ tới Chúa, tới Đức Mẹ, tới các người tội lỗi, và tới… (em nhắc đến một phần của Bí Mật). Em thích suy nghĩ”.

Dì con hỏi con xem Jacinta trả lời ra sao. Con chỉ mỉm cười. Điều này khiến dì con nói với mẹ con điều gì đã xẩy ra. Dì nói lớn “Đời sống mấy đứa trẻ này quả lạ lùng đối với em. Em không thể nào hiểu nổi!” Còn mẹ con thì phụ họa “Đúng đấy, và khi chúng ở một mình, chúng nói ơi là nói. Ấy thế nhưng bất kể dì cố gắng lắng nghe như thế nào, dì cũng không bao giờ bắt được một chữ! Tôi không thể hiểu được chuyện khó hiểu này”.

Đức Mẹ lại đến thăm

Một lần nữa, Đức Trinh Nữ Diễm Phúc lại đoái thương đến thăm Jacinta, để nói với em về những thánh giá và hy sinh mới đang chờ em. Em cho con hay tin như sau:

“Đức Mẹ bảo em rằng em sẽ đi Lisbon, tới một bệnh viện khác; em sẽ không còn gặp lại chị, cả cha mẹ em nữa cũng không, và sau khi chịu đau đớn rất nhiều, em sẽ chết một mình. Nhưng Đức Mẹ nói em đừng sợ, vì chính ngài sẽ tới đem em về thiên đàng”.

Em ôm con và khóc: “Em sẽ không bao giờ còn gặp lại chị! Chị sẽ không tới thăm em ở đó. Ôi, chị làm ơn, hãy cầu nguyện nhiều cho em, vì em sắp phải chết một mình!”

Jacinta chịu đau đớn khủng khiếp cho tới ngày em lên đường đi Lisbon. Em luôn níu lấy con và sụt sùi: “Em sẽ không bao giờ gặp lại chị! Cả má em, các anh của em, cả cha em cũng thế! Em sẽ không bao giờ còn gặp lại họ nữa! Và rồi, em sẽ chết một mình!”

Một ngày kia, con khuyên em: “em đừng nghĩ như thế!” Em trả lời:

“Chị để em nghĩ như thế, vì em càng nghĩ em càng đau đớn, và em muốn đau đớn vì lòng yêu mến Chúa và các người có tội. Dù sao, em cũng không lo! Đức Mẹ sẽ tới với em ở đó và đưa em về thiên đàng”.

Có lúc, em hôn và ôm lấy tượng chịu nạn và hô lên: “Ôi lạy Chúa Giêsu của con, con yêu mến Chúa, và con muốn chịu đau đớn rất nhiều vì lòng yêu mến Chúa”. Không biết bao nhiêu lần em đã nói “Ôi Chúa Giêsu, giờ đây Chúa có thể làm cho nhiều người có tội ăn năn trở lại, vì đây thực sự là một hy sinh lớn!”

Thỉnh thoảng, em hỏi con: “Có phải em sắp chết mà không được lãnh nhận Chúa Giêsu Ẩn Mình hay không? Ước chi Đức Mẹ đem Người đến cho em, khi ngài tới đón em!”

Một ngày kia, con hỏi em: “Em sẽ làm gì trên thiên đàng?”

“Em sẽ yêu mến Chúa Giêsu rất nhiều, và cả Trái Tim Vô Nhiễm Maria nữa. Em sẽ cầu nguyện rất nhiều cho chị, cho các người có tội, cho Đức Thánh Cha, cho cha mẹ em và các anh các chị của em, và cho mọi người đã xin em cầu nguyện cho”.

Khi nét mặt mẹ em buồn sầu vì thấy con gái quá yếu, Jacinta thường nói: “Mẹ ạ, mẹ đừng lo, con sẽ lên thiên đàng và ở trên đó, con sẽ cầu nguyện thật nhiều cho mẹ”. Hoặc “Mẹ đừng khóc, con không sao”. Nếu có người hỏi xem em cần gì, em thường trả lời: “Không, con không cần gì, cám ơn!” Nhưng khi mọi người đã ra khỏi phòng rồi, em mới nói: “Em rất khát, nhưng em không muốn uống nước. Em dâng hy sinh này lên Chúa Giêsu vì các người có tội”.

Một ngày kia, sau khi dì con hỏi con đủ điều, Jacinta gọi con tới và nói với con: “Em không muốn chị cho bất cứ ai hay em đau đớn, kể cả mẹ em; em không muốn làm mẹ em buồn”.

Một dịp nọ, con thấy em áp ảnh Đức Mẹ vào trái tim và nói: “Ôi lạy Mẹ thiên đàng rất yêu qúi của con, con có chết một mình hay không?” Con nhỏ rõ ràng rất sợ khi nghĩ đến việc phải chết một mình! Con cố gắng an ủi em bằng cách nói rằng “Chết một mình cũng đâu có gì, miễn là Đức Mẹ đến đón em?”

“Đúng vậy, quả đâu có sao. Em không biết tại sao nữa, nhưng đôi khi em quên việc Đức Mẹ sẽ đến đem em đi. Em chỉ nhớ rằng em sẽ chết mà không có chị gần bên em”.

Lên đường đi Lisbon

Cuối cùng, ngày em phải lên đường đi Lisbon cũng đã tới. Qủa là một cuộc ly biệt xé lòng. Đã từ lâu, em vẫn níu lấy con, quàng tay ôm quanh cổ con, và sụt sùi: “chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa! Chị hãy cầu nguyện nhiều cho em, cho tới khi em về thiên đàng. Lúc ấy, em sẽ cầu nguyện nhiều cho chị. Chị đừng bao giờ nói Bí Mật cho bất cứ ai, dù họ có giết chị. Chị hãy yêu mến Chúa Giêsu và Trái Tin Vô Nhiễm Maria rất nhiều, và làm nhiều việc hy sinh cho các người có tội".

Từ Lisbon, em nhắn tin cho con hay Đức Mẹ tới thăm em ở đó; ngài cho em biết ngày và giờ em chết. Sau cùng, Jacinta nhắc nhở con phải ăn ở rất tốt.

Chị Lucia kết thúc cuốn hồi ký thứ nhất của chị với các chi tiết trên, chưa cho biết Jacinta qua đời ngày nào. Theo ghi chú của linh mục tiến sĩ Joaquin M. Alonso, trưởng văn khố của Fatima, thì Jacinta ngã bệnh tháng Mười năm 1918 và Francisco ngã bệnh sau đó không lâu, nhưng lại qua đời sớm hơn em gái, ngày 4 tháng Tư năm 1919. Jacinta được đưa vào bệnh viện Thánh Augustinô ở Vila Nova de Ourém ngày 1 tháng Bẩy năm 1919, rời đó ngày 31 tháng Tám cùng năm. Ngày 21 tháng Giêng năm 1920, em được đưa tới Lisbon và được nhận vào một Cô Nhi Viện do Madre Godinho, Rua de Estrela, 17 quản trị, rồi ngày 2 tháng Hai cùng năm, em được đưa tới Bệnh Viện Dona Estefania, nơi em qua đời ngày 20 tháng Hai, năm 1920.

Cuối cuốn hồi ký thứ nhất này, Chị Lucia thưa với Đức Cha José Alves Correia da Silva (1872-1957), Giám Mục tiên khởi của giáo phận Leira, lúc ấy vừa được tái lập, mà Fatima vốn thuộc về rằng:

"Nay, con đã kết thúc việc con thuật lại với Đức Cha những gì con nhớ được về đời sống của Jacinta. Con cầu xin Thiên Chúa Nhân Lành đoái thương chấp nhận hành vi vâng lời này, xin cho nó đốt lên trong các linh hồn một ngọn lửa yêu mến đối với Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ".

Chị còn viết các cuốn hồi ký 2, 3 và 4. Các chi tiết về đời sống chị Lucia phần lớn được thuật lại ở cuốn 2 và 3. Các chi tiết về đời sống Francisco phần lớn được thuật lại ở cuốn 4.

Trong bối cảnh phong thánh cho Francisco, chúng tôi sẽ trình bầy các chi tiết về đời sống của cậu trong một số bài sắp tới.